GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10
Cuốn sách: Người Mẹ của một thiên tài
Kính thưa các thầy cô giáo! Thưa toàn thể các em học sinh thân mến!
Có ai đó đã từng nói “Vĩ đại nhất là trái tim người mẹ”. Đúng vậy! trái tim người phụ nữ, tâm hồn của người phụ nữ vốn dĩ được xem là những kỳ quan giá trị trong kho tàng văn hóa nhân loại.
Nhân dịp cả nước đang hướng tới kỉ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2024). Thư viện nhà trường xin trân trọng giới thiệu tới thầy cô cùng các bạn học sinh cuốn sách “Người mẹ của một thiên tài” của tác giả Chu Trọng Huyến. Cuốn sách dày 151 trang, khổ 13x19cm do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2007.
Trang bìa cuốn sách “Người mẹ của một thiên tài” được trình bày đơn giản nhưng thật ý nghĩa với hình ảnh một bà mẹ đang tần tảo làm việc nhưng đôi mắt hiền từ vẫn luôn dõi theo chăm sóc cho đứa con nhỏ đang nằm trên chiếc võng. Đó là một hình ảnh đẹp, gần gũi tượng trưng cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Không ít người sẽ thắc mắc muốn biết " Người mẹ" và "thiên tài" mà cuốn sách kể đến là ai vậy? Thiên tài được nói đến ở đây chính là Bác Hồ kính yêu - người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một vĩ nhân của thế giới. Và người mẹ - bà Hoàng Thị Loan, người đã sinh ra con người thiên tài ấy.
Truyện kể từ khi còn nhỏ Bà Hoàng Thị Loan đã sớm bộc lộ là một cô bé thông minh, ham học hỏi. Cô nghe mẹ kể nhiều truyện cổ tích và thích đưa ra những câu hỏi rất thú vị, hóm hỉnh. Ở thời ấy con gái thường không được đi học nhưng sự thông minh và ham học của bà Loan đã thuyết phục được cha mình là cụ Đường bấy giờ cũng đang là thầy giáo. Cụ đã quyết tâm dạy chữ cho bà bất chấp mọi sự gièm pha của người đời. Khi đọc truyện bạn đọc sẽ thấy cô bé Loan học rất nhanh "Cụ Đường ngày một ngạc nhiên trước trí nhớ của con gái". Không chỉ học giỏi, bà còn rất chăm chỉ " sớm chiều đồng áng", về nhà thì bếp núc, lợn gà, bà còn khéo léo trong việc canh cửi. Hồi đó, những người phụ nữ thường tự dệt vải để may đồ cho người thân, họ tập trung ở những phường dệt, vừa dệt vải, vừa hát đối đáp và người hát đối với họ là các nho sĩ, thầy đồ. Ở đó bà luôn là người đặt lời hát cho các chị em, nhiều khi lời đối đáp của bà làm cho các nho sĩ phải bí từ.
Trong cuộc sống đời thường, bà là một cô gái khéo léo và có cá tính mạnh mẽ, bà đã kết duyên với ông Nguyễn Sinh Sắc. Trong suốt những năm gắn bó tha thiết với chồng, với con, với gia tộc và làng nước, bà Hoàng Thị Loan đã thể hiện đầy đủ các đức tính đáng quý của người phụ nữ việt Nam. Với tấm lòng cao đẹp của một bà mẹ không cam chịu để con mình quá thiếu thốn; với quyết tâm của một bà vợ không muốn chồng phải ngừng học tập vì thiếu cơm ăn mà bà đã làm tất cả những gì có thể được thuộc thiên chức của một người mẹ, người vợ: cần cù chịu đựng, âm thầm gánh lấy những trĩu nặng của hoàn cảnh, hi sinh cho chồng, cho con với một niềm tin trong sáng như đoá hoa Đại Huệ lặng lẽ toả hương thầm trong đêm. Sau khi sinh được ba người con: Con gái là cô Thanh, con trai là Tất Thành và Tất Đạt, bà rời làng Hoàng Trù quê ngoại đưa hai con trai theo chồng đi bộ vào kinh thành Huế xa xôi để nhận chức. Ở đây bà sinh thêm cậu bé Xin. Những vất vả khó khăn đã vượt quá sức chịu đựng của người phụ nữ mảnh mai ấy. Bà đã ra đi vào năm 1901 khi vừa mới 33 tuổi đời.
Sau mười mấy năm chung sống với ông Nguyễn Sinh Sắc, bà đã để lại cho ông một tài sản vô giá là bốn người con, trong đó có Nguyễn Sinh Cung- sau này trở thành Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Hồ Chí Minh.
Với sự ngưỡng mộ và tôn vinh, với lòng kính trọng những người thân trong gia đình Bác Hồ và trách nhiệm của người cầm bút, tác giả Chu Trọng Huyến bằng cảm hứng lịch sử của mình đã làm giàu thêm chân dung vĩ đại của người phụ nữ Việt Nam bởi thiên truyện này để cống hiến cho độc giả cuộc đời âm thầm cao cả của bà Hoàng Thị Loan mà thước đo của sự hy sinh không phải là thời gian ngắn hay dài, mà điều quan trọng là đã thắp sáng cho tương lai một ngọn đèn Đại Tuệ.
Sách có tại thư viện nhà trường, mời thầy cô và các em học sinh đón đọc để cùng cảm nhận!